Bánh tráng nướng mè đen Phú Long – Nét đẹp truyền thống của ẩm thực Việt

Nhắc đến xứ Phan Rang, hẳn nhiều người trong chúng ta đều ấn tượng với bãi biển xanh rì rào sóng vỗ hay những dải cát dài hoang sơ rộng lớn. Không chỉ vậy, dải đất Duyên hải miền Trung đầy nắng và gió này, còn gợi nhớ về những làng nghề ẩm thực đặc sắc của người dân xứ Phan luôn tâm huyết với giá trị truyền thống mà người xưa truyền lại từ bao đời.

Khám phá điều thú vị ở làng nghề bánh tráng nướng mè đen Phú Long

Mỗi vùng miền đều mang vẻ đẹp và hương vị ẩm thực riêng, tạo nên sự độc đáo, phong phú cho thiên đường ẩm thực Việt. Nếu bạn có dịp tìm hiểu và thưởng thức văn hóa ẩm thực dân dã của mảnh đất Bình Thuận, thì chắc hẳn bạn sẽ biết tới làng nghề làm bánh tráng lâu đời rất nổi tiếng ở thị trấn Phú Long thuộc địa phận Quốc lộ 1A, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Khi đặt chân tới đây, bạn sẽ thấy ngút ngàn những vỉ bánh tráng xếp hàng hàng lớp lớp trải dài từ sân vườn, dọc các sân nhà và con đường trong xóm. Bánh tráng Phú Long không dày như bánh tráng Chợ Lầu – Bắc Bình, mà bành tráng ở đây được làm mỏng hơn, rắc mè trắng ít hơn.

Làng nghề bánh tráng nướng mè đen Phú Long – Nét đẹp truyền thống của ẩm thực Việt

Điểm đặc biệt của bánh tráng Phú Long chính là độ mỏng và gần như bánh trong suốt. Bánh tráng đạt độ tinh tế, khéo léo như vậy thì chắc chắn chỉ những người thợ lành nghề và dày dặn kinh nghiệm mới có thể cho ra đời những chiếc bánh tráng tuyệt vời như thế.

Nghề làm bánh tráng – Nghề đòi hỏi khéo léo, chịu thương chịu khó

Nghề làm bánh tráng luôn đòi hỏi tính kiên nhẫn, khéo léo, chịu thương chịu khó. Thông thường, mỗi hộ làm bánh tráng hầu hết các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Tại các lò bánh tráng kiểu truyền thống, một ngày làm việc của thợ làm bánh tráng thường bắt đầu từ 3 – 4 giờ sáng. Để có những mẻ bánh vừa ý, tất cả các công đoạn như chọn gạo, ngâm bột, xay bột, nhóm lửa, tráng bánh, xếp bánh, phơi bánh… đều đòi hỏi sự chú tâm và kinh nghiệm của người thợ.

Một điểm rất thú vị là, để bánh thật ngon thì nhất định phải chọn gạo kỹ và ngâm xay đúng quy cách – đây chính là “bí truyền” của làng nghề Phú Long, để tạo nên vẻ độc đáo, thơm ngon của bánh tráng.

Làng nghề bánh tráng nướng mè đen Phú Long – Nét đẹp truyền thống của ẩm thực Việt

Bánh tráng Phú Long được làm từ gạo tẻ xay thành bột mịn rồi pha loãng với nước. Khi xay, tuỳ vào mục đích sử dụng của bánh tráng mà tính toán lượng nước và cho thêm các loại phụ liệu khác nhau.

Khi tráng bánh, bột được đong bằng gáo dừa, múc đổ lên khung vải căng trên bếp lò nóng, rồi được cán thật đều tay sao cho bột trải một lớp mỏng, mịn và đều. Vẻ đẹp dân gian từ các dụng cụ làm bằng gáo dừa để múc bột, đôi khi có thể gợi nhớ cho bạn rất nhiều điều về văn hóa ẩm thực Việt. Để chiếc bánh thành hình tròn trịa trước khi bị hơi nóng làm khô, cần phải làm thật nhanh và khéo léo.

Tiếp đó, người thợ sẽ đậy nắp lồng và sau vài giây đợi cho bánh chín rồi dùng một chiếc đũa lớn gỡ bánh ra. Việc này cũng cần phải khéo léo vì bánh lúc này vẫn còn mềm và dễ bị rách. Bánh sau đó sẽ được gác tạm lên một chiếc sàn úp ngược rồi mới sắp lên vỉ đem phơi. Vỉ phơi bánh thường là những chiếc khung tre có lưới căng ở giữa. Mỗi chiếc dài khoảng 2 mét, đủ cho 5 – 6 chiếc bánh.
Lưu giữ giá trị làng nghề truyền thống

Làng nghề bánh tráng nướng mè đen Phú Long – Nét đẹp truyền thống của ẩm thực Việt

Màu nắng ở vùng đất xứ Phan cũng rất đặc biệt, dưới ánh nắng ấy, từng chiếc bánh dần khô lại và toả ra mùi thơm hấp dẫn, rất riêng. Tuỳ vào loại bánh, mà thời gian phơi khác nhau. Có loại chỉ 30 phút nhưng độ ngon của bánh tráng là bánh phải vừa ăn, khi nướng bánh phải thật thơm, nhúng nước bánh tráng không dính nước. Cũng có loại phải phơi đến vài ba tiếng đồng hồ bánh mới đạt độ dòn thơm.

Dạo quanh những xóm làm bánh tráng ở Phú Long vào một buổi sáng nắng đẹp, sẽ rất dễ bắt gặp những khung vỉ bánh tráng được phơi gọn gàng khắp sân nhà. Bánh khô được gỡ ra khỏi vỉ và xếp lại thành từng chồng bánh, kiểm tra chất lượng để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Làng nghề bánh tráng nướng mè đen Phú Long – Nét đẹp truyền thống của ẩm thực Việt

Bánh tráng Phú Long có hai loại phổ biến là một loại bánh dày, có nhiều mè, vừng rắc bên trên. Khi ăn bánh thì nướng trên than hồng, bánh tráng có vị béo ngậy, thơm ngon. Thưởng thức gỏi thì nhất định phải ăn kèm với bánh tráng nướng. Loại thứ hai là bánh tráng mỏng hơn và rắc mè ít hơn dùng để ăn gỏi cuốn với rau, cá, thịt…

Nghề làm bánh tráng không chỉ là công việc được lưu truyền qua nhiều thế hệ, giúp cuộc sống ổn định mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngày nay, ngoài những hộ làm bánh tráng bằng tay truyền thống còn có những gia đình đầu tư máy móc để sản xuất bánh tráng hàng loạt, vừa tăng năng suất lao động, vừa giảm giá thành sản phẩm. Tuy vậy, những chiếc bánh tráng do bàn tay khéo léo của những người thợ làm ra vẫn luôn có một vị trí không thể thay thế. Bởi chúng lưu giữ những hương vị đặc trưng riêng mà những chiếc bánh tráng bằng máy khó thể nào có được.

Không chỉ là một món ăn mang giá trị văn hoá truyền thống, đậm hương vị mộc mạc, bánh tráng mè đen Phú Long còn chứa đựng tâm huyết của những con người nơi đây với mong muốn giữ gìn, lan tỏa và phát triển vẻ đẹp ẩm thực truyền thống quê nhà.

Thái Nga – (Nguồn: Tổng hợp)

Trả lời